NHỮNG THÔNG TIN VỀ LỊCH SỬ TRƯỜNG THPT LÊ VĂN HƯU

Đăng lúc: 21:33:11 12/11/2020 (GMT+7)

Có người đã từng ví “Nghề dạy học như người đưa đò.” đưa người ta qua sông đến bến bờ mới, còn mình vẫn ở lại với con đò. Những công lao của Nhà Giáo thì vô cùng to lớn, bởi những con người sang đò kia đã và đang đem hết năng lực và kiến thức của mình phục vụ quê hương, Đất nước. Đó là niềm hạnh phúc lớn lao của nghề dạy học.

Gắn liền với niềm hạnh phúc lớn lao ấy của các thế hệ thầy cô và học sinh nhà trường là niềm vinh dự, tự hào của mái trường 49 năm xây dựng vag trưởng thành.Trường cấp III Thiệu Hoá – Thiệu Hoá I – Đông Sơn II – Lê Văn Hưu.

Cách đây vừa tròn 49 năm ngày 22/8/1963 Tiếng trống khai trường đầu tiên của trường cấp III Thiệu Hoá đã vang lên. Kỷ niệm về những năm đầu đầy gian nan vất vã vẫn còn ghi dấu trong tâm trí mỗi thầy cô giáo và lứa học sinh cũ của nhà trường. Việc ra đời trường cấp III Thiệu Hoá là niềm hạnh phúc của con em trong huyện Thiệu Hoá và cả con em các xã phía Đông Nam huyện Yên Định, phía đông bắc của huyện Đông Sơn có điều kiện đi học thuận tiện hơn.

Trường được thành lập trong thời kỳ chiến tranh ác liệt với bao nhiêu khó khăn vất vã, nhưng với tinh thần “Tất cả vì học sinh thân yêu”, đội ngũ giáo viên đầu tiên của nhà trường đã vượt lên gian khổ để duy trì và tạo dựng nhà trường. Tại phiên họp đầu tiên của nhà trường ngày 24/8/1963, đồng chí Nguyễn Văn Châm Hiệu trưởng nhà trường chỉ có trong tay một Quyết định thành lập trường gồm 03 lớp (1 lớp 9 và 2 lớp 8) và một danh sách CB, GV, NV với 10 đồng chí. Học sinh lớp 9 của nhà trường là số học sinh chuyển từ trường cấp III Lam Sơn về gồm 46 em còn 2 lớp 8 tuyển chọn học sinh Thiệu Hoá cùng một số xã phía Đông huyện Yên Định với tổng số 102 em.

Cơ sở vật chất nhà trường hầu như không có gì, 3 lớp học sinh phải học nhờ trường cấp II của huyện, bàn ghế, giường tủ … thì tiếp nhận từ trường BTVH của huyện do bị giải thể.

Đến năm học 1964 – 1965 trường đã có đủ 3 khối lớp gồm 6 lớp với 314 học sinh, số giáo viên cũng được bổ sung thêm. Cũng trong năm học này UBND huyện Thiệu Hoá quyết định xây dựng trường mới tại xã Thiệu Vận (địa điểm của trường hiện nay), nên thầy và trò nhà trường vừa dạy vừa học vừa xây dựng nhà trường. Vào những năm đó do chiến tranh quá ác liệt nên nhà trường phải chuyển đi hai nơi để dạy và học: Học sinh hữu ngạn sông Chu thì chuyển vào học tại làng Khoai xã Thiệu Vận; Học sinh tả ngạn sông Chu thì chuyển đến học tại làng Đình Tân xã Thiệu Phú. Trung tâm của trường (nơi làm việc của Ban giám hiệu) vẫn ở xã Thiệu Vận, giáo viên phải dạy cả ở 2 nơi.

Năm 1965 – 1966 giặc Mỹ đánh phá Thanh Hoá ác liệt nên lại có sự di chuyển lần 2: Bộ phận sơ tán tại Thiệu Vận lại chuyển đi Thiệu Hoà rồi sau đó lại chuyển đến xã Thiệu Tâm; Bộ phận ở Thiệu Phú lại chuyển đi Thiệu Long, rồi sau đó lại chuyển đến xã Thiệu Nguyên. Tuy phải di chuyển liên tục nhưng thầy và trò nhà trường vẫn kiên trì giảng dạy và học tập tốt.

Trong những năm học tiếp theo (1966 đến 1968) học sinh vẫn phải học ở những nơi sơ tán, ngôi trường mới xây dựng xong được dùng để làm kho chứa đựng lương thực phục vụ cho các chiến trường phía Bắc.

Do số học sinh tăng nhanh và do chiến tranh có thể còn kéo dài nên UBND tỉnh và Ty Giáo dục Thanh Hoá quyết định tách trường thành 2 trường: Trường Thiệu Hoá I và Trường Thiệu Hoá II. Cũng từ năm học đó (1969 – 1969) 2 trường có 2 con dấu khác nhau. Vào năm 1969 – 1970 thầy và trò nhà trường cấp III Thiệu Hoá I chuyển về dạy và học tại ngôi trường mới được xây, còn trường cấp III Thiệu Hoá II vẫn học nơi sơ tán. Do chưa có địa điểm xây dựng và chưa có vốn nên trường cấp III Thiệu Hoá II lại phải sang dạy và học tại trường cấp III Thiệu Hoá I. Tháng 2 năm 1971 Ty Giáo dục Thanh Hoá Quyết định nhập 2 trường thành một. Đến ngày 15/4/1972 trường lại phải sơ tán lần thứ ba và phải chia làm 3 bộ phận: 8 lớp phía Đông hữu ngạn sông Chu thì sơ tán tại xã Thiệu Vân; 10 lớp phía Tây Nam hữu ngạn sông Chu thì sơ tán tại Thiệu Tâm sau đó lại chuyển về Thiệu Lý; 8 lớp tả ngạn sông Chu thì sơ tán tại xã Thiệu Công sau đó lại chuyển về Thiệu Phú. Đến năm học 1972 – 1973 Ty Giáo dục thanh Hoá lại Quyết định tách trường lần thứ hai. Số lớp học tại hữu ngạn sông Chu thì học ở trường cấp III Thiệu Hoá I do thầy Đỗ Như Phùi làm Hiệu trưởng; số lớp học tại tả ngạn sông Chu thì học ở trường cấp III Thiệu Hoá II do thầy Nguyễn Ngọc Thái là phó Hiệu trưởng phụ trách trường.

Từ năm 1963 đến năm 1975 là giai đoạn trường trưởng thành trong chiến tranh ác liệt. 12 năm ấy thầy và trò nhà trường phải khắc phục khó khăn gian khổ,phải tạo dựng tất cả các điều kiện để phục vụ tốt cho dạy và học. Do nhu cầu phục vụ cho các chiến trường, nhiều khi phải nghỉ học hàng tuần để thầy trò đi vận chuyển lương thực tiếp tế cho bộ đội. Nhiều học sinh chưa học xong khoá học đã phải lên đường nhập ngũ. Trong 12 năm đó theo thống kê chưa đầy đủ thì có 614 học sinh lên đường nhập ngũ và trong số đó có 51 em đã anh dũng hy sinh cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Trong thời gian đó cũng có nhiều học sinh phấn đấu trở thành những nhà khoa học, những cán bộ cốt cán trong các lĩnh vực hoạt động của Đảng và nhà nước.

Từ năm học 1975 – 1976 nhà trường bước vào một giai đoạn mới, giai đoạn đất nước thống nhất và hoà bình. Phong trào thi đua dạy tốt, học tốt được phát động đã đưa chất lượng giáo dục của nhà trường ngày càng đi lên. Từ năm học 1975 – 1976 trở đi số lớp và số học sinh của nhà trường tăng nhanh (Năm học 1979 – 1980 có 28 lớp với hơn 1400 học sinh), nên nhà trường đề nghị huyện và Ty Giáo dục thành lập phân hiệu tại xã Thiệu Chính. Năm 1983 – 1984 trường đổi tên thành trường cấp III Đông Sơn II.

Năm học 1984 –1985 phân hiệu Thiệu Chính được UBND tỉnh Quyết định thành trường cấp III Đông Sơn III.

Đến ngày 7/12/1993 trường được đổi tên thành trường THPT Lê Văn Hưu.

Từ năm 1973 đến năm 1993, tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp luôn được duy trì từ 90% – 95%. Số học sinh đậu vào các trường ĐH, CĐ luôn ở mức cao, có nhiều học sinh đạt điểm được đi học ĐH ở nước ngoài. Các đội tuyển học sinh giỏi cấp tỉnh luôn đạt giải cao và xếp hàng đơn vị cấp tỉnh, nhiều môn được xếp thứ nhất nhì trong tỉnh.

Trong 10 năm trở lại đây điểm nỗi bật của nhà trường là:

- Coi trọng công tác giáo dục toàn diện cho học sinh.

- Duy trì nền nếp, kỷ cương trong dạy và học.

- Thường xuyên đổi mới phương pháp giảng dạy và viết sáng kiến kinh nghiệm.

- Thực hiện tốt công tác dân chủ hoá trong trường học từ đó đã tạo được mối đoàn kết nhất trí cao trong các hoạt động của nhà trường.

- Tăng cường công tác xã hội hoá giáo dục và xây dựng cơ sở vật chất trường học – Hàng năm tỷ lệ học sinh xếp loại hạnh kiểm khá, tốt trên 80%, học sinh xếp loại học lực khá, giỏi đạt từ 60% – 72%, số học sinh lớp 12 đậu tốt nghiệp đạt từ 90% – 98%. Đội tuyển thi học sinh giỏi cấp tỉnh luôn được xếp hàng đơn vị và trong 10 năm gần đây có gần 600 học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh, nhiều em đạt giải nhất, nhì, nhiều đội tuyển được xếp nhất, nhì cấp tỉnh. Tỷ lệ học sinh đậu vào các trường ĐH, CĐ luôn đat từ 30% – 65% (năm học 2007 – 2008 có tỷ lệ là 65%), có nhiều em đậu thủ khoa ở các trường ĐH, năm học 2004 – 2005 có 1 học sinh đạt điểm thi ĐH là 30đ/30đ và 6 em đạt 29,5 điểm. Nhiều địa phương trong khu vực tuyển sinh của nhà trường có tỷ lệ học sinh đậu ĐH, CĐ cao như: xã Thiệu Đô; Thiệu Châu; Thiệu Khánh; Thiệu Vận; Thiệu Trung..vv. Năm 2007 và những năm gần đây theo kết quả xếp loại chung của Bộ GD&ĐT trường được xếp thứ 220 – 340 / hơn 4000 trường THPT trong toàn Quốc, và xếp thứ 12 – 17/ hơn 100 trường THPT ở Tỉnh Thanh Hoá đây chính là bằng chứng để khẳng định chất lượng giáo dục của nhà trường trong suốt 49 năm qua.

- Cùng với phong trào dạy tốt, học tốt, các hoạt động khác của nhà trường cũng được chú trọng. Phong trào TDTT, VN được duy trì và phát triển mạnh, hàng năm các đội tuyển tham gia Hội khoẻ Phù Đổng huyện và tỉnh đều đạt giải

- Tích cực đầu tư cơ sở vật chất trừơng học. Đến nay nhà trường đã có 2 khu nhà 2 tầng với 24 phòng học và hiện nay đang được tỉnh, huyện đầu tư xây dựng thêm khu nhà 3 tầng với 18 phòng trong đó có 12 phòng học và 6 phòng chức năng (sẽ được đưa vào sử dụng từ học kỳ II năm học này) đó sẽ là điều kiện quan trọng để thầy và trò nhà trường vươn lên trong giảng dạy và học tập.

Nhìn lại chặng đường 49 năm xây dựng và trưởng thành, mặc dù còn nhiều khó khăn thiếu thốn, song bằng sự nổ lực phấn đấu vươn lên của nhiều thế hệ giáo viên và học sinh trường cấp III Thiệu Hoá I – Cấp III Đông Sơn II – THPT Lê Văn Hưu đã góp phần đào tạo cho xã hội gần 20.000 học sinh có trình độ TN.THPT, trong đó hơn 5500 em đậu vào các trường ĐH – CĐ. Nhiều học sinh của nhà trường đã phấn đấu trở thành Giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học những cán bộ lãnh đạo cốt cán ở các cấp v.v.

Hiện nay nhà trường có tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên là 85 đồng chí 100% đạt chuẩn (14% đạt trình độ trên chuẩn) có 48 đồng chí là Đảng viên

 Số lớp học sinh là 36 lớp, trong đó: K10 có 12 lớp; K11 có 12 lớp và K12 có 12, với tổng số học sinh đến thời điểm này là 1557 em.

Cơ sở vật chất của nhà trường ngày càng khang trang và đang được đầu tư xây dựng chuẩn. Hiện tại nhà trường có khu Hiệu bộ 3 tầng với đầy đủ các phòng làm việc của BGH, các tổ bộ môn, phòng họp và phòng truyền thống cùng với 3 khu nhà tầng có đủ 36 phòng học và 6 phòng học bộ môn, phòng thư viện. Cảnh quan nhà trường ngày càng đẹp hơn.

Bằng sự nổ lực phấn đấu của tập thể cán bộ giáo viên – NV và học sinh nhà trường. Trong 10 năm trở lại đây nhà trường luôn đạt danh hiệu trường tiên tiến cấp tỉnh. Được UBND tỉnh, Bộ GD&ĐT, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Năm học 2000 – 2001 được Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng Huân chương Lao động Hạng Ba. Chi bộ nhà trường (nay là Đảng bộ) liên tục đạt trong sạch vững mạnh, được huyện uỷ tặng giấy khen và tặng cờ, tỉnh uỷ tặng Bằng khen. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh liên tục được công nhận là tổ chức cơ sở đoàn vững mạnh, được tỉnh đoàn tặng Bằng khen, Trung ương đoàn tặng Bằng khen, tặng cờ. Công đoàn nhà trường được công nhận là tổ chức cơ sở công đoàn vững mạnh, được công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam tặng Bằng khen. Nhiều CB, GV nhà trường được Bộ Giáo dục, Sở GD&ĐT, UBND huyện tặng Bằng khen, giấy khen. Nhiều giáo viên đạt giáo viên dạy giỏi các cấp. Nhiều giáo viên có nhiều học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh và đậu và các trường ĐH, CĐ.

Phát huy truyền thống dạy tốt, học tốt và truyền thống của nhà trường vinh dự được mang tên nhà sử học, danh nhân văn hoá của đất nước. Năm học 2012 – 2013 thầy và trò nhà trường đang ra sức thi đua dạy tốt, học tập, rèn luyện tốt và thực hiện tốt các cuộc vận động lớn của nghành và của Bộ CT “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Phong trào thi đua “ Xây dựng trường học thân thiện học sinh tích cực” Quyết tâm xây dựng nhà trường ngày càng vững mạnh về mọi mặt để trở thành một trong những điểm sáng về giáo dục trong huyện và trong tỉnh, xứng đáng với truyền thống “.. Thiệu Hoá một vùng đất hiếu học ”, với sự tin yêu của Lãnh đạo và nhân dân huyện nhà.
 

 

Truy cập

Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
3437172

Ý kiến thăm dò