TÓM TẮT THÂN THỂ, SỰ NGHIỆP CỦA NHÀ SỬ HỌC LÊ VĂN HƯU

Đăng lúc: 13:07:06 12/01/2022 (GMT+7)

 TÓM TẮT THÂN THẾ, SỰ NGHIỆP CỦA NHÀ SỬ HỌC LÊ VĂN HƯU 
 
Lê Văn Hưu sinh năm Canh Dần (1230) tại giáp Thần Hậu (nay là làng Phủ Lý Nam, xã Thiệu Trung). Thân phụlà Lê Văn Minh, cháu sáu đời Trấn Quốc Bộc xạ Lê Lương. Thân mẫu là con gái cụ Đỗ Tất Bình, một người từng theo Nho học, tinh tường thuật phong thủy (địa lý) ở thôn Phúc Chữ (nay là làng Phủ Lý Trung). Theo gia phả họ Lê Lương và truyền thuyết làng Kẻ Rỵ, thì thân phụ Lê Văn Hưu bị ốm chết từ khi thân mẫu mới mang thai ông được bốn tháng. Sống trong cảnh góa bụa và son trẻ, bà Đỗ thị ước ao con mình sẽ là con trai nối dõi gia đình họ Lê, làm rạng rỡ tổ tông, đáp ứng lòng mong mỏi của tổ tiên (đời thứ 5); “phật đạo hư vô, nhà ta nhiều đời chuyên coi trọng đạo Phật, được nhà vua tôn sùng và ban lộc hiển vinh. Con cháu nên tu nhân tích đức; học đạo giảng kinh, nhất thiết dùng đạo đức, văn chương làm phúc, ngõ hầu được lưu danh ngàn đời”. 
 
Khi còn là một đứa trẻ sơ sinh, Lê Văn Hưu có khuôn mặt đầy đặn, trung hậu, lớn lên mỗi ngày càng thấy khôi ngô tuấn tú. Chính ông ngoại là Đỗ Tất Bình đã đặt tên cho đứa cháu yêu quý của mình với một niềm hy vọng cháu sẽ là điềm lành, điều tốt đẹp, sức mạnh của gia đình và dòng họ Lê. Tương truyền, cậu bé Lê Văn Hưu sớm biết nói, mẹ cậu là người sinh ra trong gia đình Nho học, biết nhiều chữ nghĩa, nên thường dạy truyền miệng cho cậu chữ nghĩa sách Nho để cậu thấm dần, mong con về sau hay chữ. Hễ dạy là cậu Hưu thuộc ngay và nhớ rất dai. Khi độ năm, sáu tuổi, cậu bé Hưu được ông ngoại dạy học từng đoạn văn sách, cậu thuộc nhanh và thường đem khoe với người lớn, được khen ngợi, cậu thích lắm. 
 
| Bấy giờ ở đầu làng Thần Hậu, dưới bóng đá to sum suê tỏa bóng mát, có một quán học, là nơi một thầy đồ dạy con em các nhà gia thế học chữ Nho. Đó cũng là nơi các cụ đã học chữ Nho trong làng thỉnh thoảng họp nhau bình thơ, đọc sách. Cậu bé Hưu thường mon men đến quán học xem các anh học chữ với thầy đồ. Mỗi khi thấy trò không thuộc bài, đọc ngắc ngứ, bé Hưu thường cười ngặt nghẽo. 
 
| Thầy đồ biết bé Hưu là cháu nhà họ Lê, một lần ông viết mấy câu chữ Nho, giảng cho cậu nghe, sau đó viết lại vào tờ giấy khác, bé Hưu đọc lại không sai một chữ và giảng nghĩa không sai, làm cho mọi người đứng đó phải ngạc nhiên, trầm trồ thán phục. Ai cũng cho bé Hưu là thần đồng. 
 
Được ở nhà học với ông ngoại, đến năm lên chín tuổi thì bé Hưu được đưa đến học với ông đồ ở Cổ Bôn, bên bờ Bắc sông Hương Giang (sông nhà Lê) cách làng Nam chừng vài dặm (khoảng hơn cây số, nay thuộc thôn Phúc Triền, xã Đông Thanh, huyện Đông Sơn). Lê Văn Hưu học rất sáng dạ, thầy đồ họ Nguyễn thường khen cậu trước các học trò trong lớp. Tiếng tăm “Thần đồng Hưu” càng ngày càng nổi. Các bạn của Lê Văn Hưu đều nói rằng, chưa bao giờ cậu chịu kém thua ai, bài vở bao giờ cũng thuộc làu làu, thầy ra câu đối thì đổi rất nhanh và rất hay. 
 
Bên một cây đa, trên đường từ làng Phủ Lý đến Phúc Triền, Lê Văn Hưu đi học, có một lò rèn. Một lần đi học về, dừng chân xem ông phó rèn đang mài một chiếc dùi đóng vở, Lê Văn Hưu rất thích. Thấy cậu trò nhỏ nhắn ngắm nhìn chiếc dùi, ông phó rèn bèn hỏi: Cậu có thích cái dùi đóng sách không ? Lê Văn Hưu đáp: 
 
Rất thích. Tôi ra vế đối, nếu cậu đối được, tôi tặng cậu chiếc dùi ấy và thêm ba tiền nữa để cậu mua giấy. Rồi ông phó đọc: 
 
“Than trong lò, lửa trong lò, sắt trong lò, thổi phì phò đúc nên dùi vở”. Bé Hưu không lưỡng lự, đọc ngay: 
 
“Giấy trong túi, bút trong túi, mực trong túi, viết lúi húi mà đậu Khối nguyên”. Bạn học đi theo ngạc nhiên và reo vang. Bác thợ rèn xong chiếc dùi lại kèm ba tiền thưởng cho cậu Hưu trong niềm thán phục vui vẻ. Tiếng tăm học giỏi và có chí chiếm bảng Khối nguyên của Lê Văn Hưu nổi tiếng khắp vùng Đông Sơn. 
 
Mẹ Hưu mừng vì con có tiếng Thần đồng trong vùng. Bà đến Kẻ Chè nhờ thợ đúc cho con một cây đèn hình con rồng đang vươn lên cao. Bà dùng bảy viên ngọc nhỏ mà gia đình chồng, trước kia được vua ban thưởng để ông thợ khảm vào mắt rồng, đầu rồng và bốn chân rồng. Đêm đêm, đèn thắp lên ánh ngọc tỏa sáng cho cậu Hựu học bài. Tương truyền, đi đâu Lê Văn Hưu cũng đem đèn đi theo. Cho đến khi đã thi đỗ và làm quan ở Thăng Long, làm môn đệ cho Chiều Minh Vương Trần Quang Khải hoặc lúc soạn sách “Đại Việt sử ký” ông vẫn làm việc cần mẫn dưới ánh sáng của cây đèn rồng do mẹ ông làm từ thuở thiếu thời này. 
 
Truyền thuyết vùng Nhuệ Sơn (núi Nhồi) huyện Đông Sơn kể rằng, trước khi ra kinh đô ứng thí (dự kỳ thi Thái học sinh), chàng trai Lê Văn Hưu có đến chùa Báo Ân ở núi An Hoạch (nay thuộc xã Đông Tân, thành phố Thanh Hóa) để đọc sách và ôn luyện cho yên tĩnh. Thấy có chàng trai chăm chỉ sách đèn lại khôi ngô tuấn tú, một ông Tiên trên núi thỉnh thoảng xuống trò chuyện, lâu lâu thành bạn tri kỷ. Một hôm nhìn cây thiên tuế trước chùa, ông Tiên liền đọc về đổi: 
 
- Cây thiên tuế sống ngàn năm 
 
Có lẽ ông Tiên muốn nói rằng cây thiên tuế vì sống lặng lẽ nơi cảnh chùa không bị bụi bặm trần thế nên thọ đến ngàn năm. Chàng trai Lê Văn Hưu chỉ giàn hoa thiên lý gần đó đọc luôn: 
 
- Hoa thiên lý thơm vạn dặm. 
 
Vì Lê Văn Hưu cho rằng hoa thiên lý tỏa mùi thơm có ích cho đời, đem tinh túy của trời đất đến vạn dặm chứ không chỉ sống lặng lẽ như cây thiên tuế. Phải chăng chàng muốn tỏ ý chí của mình. 
 
Không lâu sau đó, chàng trai Lê Văn Hưu khăn gói lên kinh kỳ dự thi Thái học sinh do vua Trần Thái Tông mở vào đầu mùa xuân năm Đinh Mùi (hiệu Thiên ứng Chính Bình thứ 16, tức năm 1947). Cả dòng họ Lê, mẹ Lê Văn Hưu và họ Đỗ cùng dân làng Kẻ Rỵ ngày ngày mong ngóng tin vui của người con, cháu từ Thăng Long. Đầu mùa hè năm ấy, cùng với ánh nắng rực rỡ, tin vui Lê Văn Hưu đậu Tam khôi, bậc Bảng nhãn (chỉ xếp sau Trạng nguyên Nguyễn Hiền và xếp trước Thám hoa Đặng Ma La) tràn ngập khắp Bối Lý, rồi lan khắp cả huyện Đông Sơn và trấn Thanh Hóa. 
 
Trước Lê Văn Hưu ở vùng đất Đông Sơn (bao gồm cả hai huyện Đông Sơn và Thiệu Hóa ngày nay) và trấn Thanh Hóa mà nhà Trần còn gọi là “trại” (miền đất xa kinh kỳ ở Thăng Long) chưa có ai đậu Thái học sinh (sau này gọi là Tiến sĩ) chứ đừng nói đến đậu “Tam khôi” (hạng cao nhất) là Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, tức là ba danh hiệu đứng đầu bảng vàng (bảng đề tên những người đỗ iến sĩ của triều đình). Kỳ thi Thái học sinh năm Đinh Mùi (1247) này, nhà Trần đã chọn cả bậc Tam khôi. Thật khó có ai nghĩ rằng cả ba danh hiệu Tam khôi khoa này đều là những người vị thành niên (dưới 20 tuổi): Trạng nguyên Nguyễn Hiền 13 tuổi (quê thôn Dương A, xã Nam Thắng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định ngày nay); Bảng nhãn Lê Văn Hưu, 17 tuổi, Thám hoa Đặng Ma La, 14 tuổi (ở xã Tốt Động, huyện Chương Mỹ, Hà Nội ngày nay). | Lê Văn Hưu trở thành vị tiến sĩ đầu tiên của huyện Đông Sơn và xứ Thanh, mở đầu con đường khoa cử (thi Nho học, đáp ứng tài năng tuyển chọn quan chức của triều đình). Dĩ nhiên Lê Văn Hưu là Tiến sĩ đầu tiên của Bối Lý (Kẻ Ry) làm rạng rỡ quê hương gia đình. Trong nhà thờ ông Hưu” còn ghi câu đối: 
 
“Khắc Thiệu Hóa cơ, Nam Bắc Đông Tây Sơn Đầu vọng. Vĩnh Thanh Hoa địa, y quan chương phú lý dư hương”. 
 
Nghĩa là: 
 
Đặt nền Thiệu Hóa, khắp Nam Bắc Đông Tây trồng về Thái Sơn Sao Đẩu. Vũng đất Thanh Hoa, văn chương áo mũ thơm làng xóm quê hương. 
 
Sau khi yết bảng đề tên những người đỗ Thái học sinh (Tiến sĩ), vua Trần đã ban thưởng cho các Thái học sinh, đó là lễ “ban áo mũ cân đai” (áo, mũ, khăn, đai), hoa bạc và cho “vinh quy bái tổ” (về làng để tạ ơn tổ tiên, làng xóm). Lê Văn Hưu là bậc Tam khôi nên được ban áo chầu bằng vải đoạn huyền (đoạn màu đen xanh), là thứ áo đẹp nhất của các Tiến sĩ, mũ phác đầu (mũ có hai cánh lá đề bằng nhau, gọi là mũ cánh chuồn), đại lụa màu tím bịt chín đồng cân (chỉ) bạc, lại được ban một hoa bạc gồm 8 cành, nặng 8 đồng cân. Sau khi được dự yến tiệc do nhà vua khao, được triều đình cho xe ngựa, lính hầu về quê tạ ơn tổ tiên, họ hàng, làng xóm. Cả Kẻ Rý tưng bừng, náo nhiệt, trai, gái chen nhau đi xem quan Tam khôi về làng. Thật bõ công những năm tháng dùi mài sách đèn và công lao của mẹ góa, họ hàng, làng xóm và người vợ họ Nguyễn. 
 
| Trở lại kinh đô, Lê Văn Hưu được vua Trần Thái Tông, chọn làm thầy học của các Hoàng tử: Trần Hoàng, con trai thứ hai của vua sinh năm 1240; Trần Quang Khải sinh năm 1241... và Trần Ích Tắc, Trần Nhật Duật. Các Hoàng tử, sau một thời gian được thầy Huu dạy bảo kinh sách, đều trở thành những người có học vấn sâu sắc, đều trở thành những trụ cột của triều Trần: Trần Hoàng sau kế vị ngôi vua, tức Trần Thánh Tông (1258-1278), là một hoàng đế anh minh; Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải trở thành quan Thái sư đứng đầu bách quan, văn võ kiêm toàn, nhân nghĩa; Trần Nhật Duật trở thành nhà ngoại giao kiệt xuất; Trần Ích Tắc mở trường dạy học ở phủ đệ tại Thăng Long để đào tạo nho sĩ bốn phương, về sau có nhiều người thành đạt (như Mạc Đĩnh Chi, trạng nguyên khoa Giáp Thìn-1304, Bùi [ Phóng... gôm đến 20 người). 
 
| Năm 24 tuổi (1253), Lê Văn Hưu được giữ chức Hàn lâm viện thị độc giữ việc giảng kinh sách cho Vua. Vào năm Tân Mùi niên hiệu Thiệu Long thứ 14 (1271) vua Trần Thánh Tông lấy Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải (em trai) làm Tướng quốc Thái úy nắm giữ việc nước, Lê Văn Hưu được cử làm Phó quan giúp việc Thái úy. Không lâu, Lê Văn Hưu được thăng chức Kiểm pháp quan của Viện Đăng Văn, là chức quan giữ việc tra xét hình ngục. Đến năm 1974 (45 tuổi), Lê Văn Hưu được thăng lên chức Thượng thư bộ Binh (như Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ngày nay). Trước đó, ông giữ chức Hàn lâm viện học sĩ kiêm quốc Sử giám tu, là chức quan đứng đầu Viện Quốc Sử. Trong thời gian ở cương vị ấy, ông được giao nhiệm vụ soạn Quốc sử. Mùa xuân năm Nhâm Thân, niên hiệu Thiệu Long thứ 15 (1272), ông dâng lên vua Trần Thánh Tông bộ “Đại Việt Sử ký” gồm 30 quyển, ghi chép lịch sử nước ta từ thời Triệu Vũ đế (207 - 136 TCN) đến Lý Chiêu Hoàng (1224 - 1225). Đây là bộ Quốc sử đầu tiên của nước ta. Lê Văn Hưu được các sử quan đời sau đánh giá là “Đại thủ bút đời Trần” (Ngô Sỹ Liên, bài tựa Đại Việt Sử ký toàn thư, 1479) “nghĩa lớn khen chê rành rành như công luận” (Bài tựa sách “Đại Việt sử ký tục biên” của Phạm Công Trứ, 1665). Ông được đề cao như những nhà sử học lớn: Có người lấy tên nhà sử học Hêrôđốt của Hy Lạp nói rằng: “Lê Văn Hưu là Hêrôđốt (485 - 425 TCN) của Việt Nam”; hoặc ví ông như nhà sử học Tư Mã Thiên (145 - 86 TCN) của Trung Hoa mà nói rằng: “Lê Văn Hưu là Tư Mã Thiên của Việt Nam”... Đánh giá công lao to lớn của Lê Văn Hưu để hoàn thành bộ Quốc sử “Đại Việt Sử ký” (30 quyển). 
 
Năm 1974, Lê Văn Hưu đã từ quan sau một thời gian giữ chức Thượng thư bộ Binh, về nhà, ông mở trường dạy học và đi xem phong thủy bốn phương. Trong sách “Lịch triều đăng khoa bị khảo”, ông Phan Huy Ôn (Tiến sĩ năm 1779) viết: “Ông là người am hiểu địa lý. Cuối đời, thôi làm quan, ông đi xem phong thủy bốn phương. Phàm những lời phê trong các cuốn sách phong thủy của Cao Biền, Hoàng Phúc đều là tự tay ông cả”. Khi nghỉ quan ở triều đình, ông Hưu trở về Kẻ Rỵ quê cũ, dạy học trò và khảo cứu phong thủy, đồng thời sống trọn vẹn với người vợ hiền từ thuở hàn sinh. 
 
Ông Lê Văn Hưu mất ngày 23 tháng 3 năm Nhâm Tuất (1322) và bà Nguyễn Thị Thanh mất ngày 23 tháng 3 năm Giáp Dần (1314), ông thọ 93 tuổi, bà thọ 82 tuổi, đều yên nghỉ ở xứ Mã Giòm làng Nam xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa ngày nay. Trên mộ ông còn tấm bia mộ. “Bảng nhãn Lê Tiên sinh Thần bi”, ghi sự nghiệp, thân thế Lê Văn Hưu dựng từ năm 1867, niên hiệu Tự Đức thứ 20. 
 
Năm 1990 sau Hội thảo khoa học về nhà sử học Lê Văn Hưu, đền thờ Lê Văn Hưu đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa quốc gia tại Quyết định số 208/VH-QĐ; đến nay (năm 2019) di tích đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt chủ trương tu bổ, tôn tạo để tỏ lòng biết ơn và tôn kính đối với nhà sử học Lê Văn Hưu, người đã có công lao to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Là nhân tài lỗi lạc của kỷ nguyên độc lập và hưng thịnh Lý - Trần, là danh nhân văn hóa dân tộc, là tiến sĩ khai khoa của tỉnh Thanh Hóa và là người con ưu tú của dòng họ Lê ở vùng đất Kẻ Rỵ./
0 bình luận
(Bấm vào đây để nhận mã)

Truy cập

Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
3437172

Ý kiến thăm dò